Trách nhiệm của cầu thủ trong bóng đá sân 7


Trách nhiệm của cầu thủ trong bóng đá sân 7

Tin Tức
THÁI SƠN - Thứ sáu, ngày 14-04-2017 - 06:36:24
Bình luận
Đây là bài viết giải thích cơ bản vai trò và nhiệm vụ của từng vị trí thi đấu trong bóng đá sân 7 khi đội nhà đang tấn công hoặc phòng ngự.

Khi đội nhà kiểm soát bóng (đang tấn công) 
Mục đích chính trong thời gian đội nhà kiểm soát bóng là đưa được bóng đến gần cầu môn đối thủ để có thể tạo ra cơ hội (phát triển bóng) và ghi bàn.

- Nguyên tắc chung
+ Tạo càng nhiều không gian càng tốt, cả chiều rộng lần chiều sâu của sân bóng.

+ Tiếp cận cầu môn đối phương; giữ quyền sở hữu bóng, điều này rất là quan trọng đối với mục đích của trận đấu. Vì vậy, nếu bạn không thể chuyền bóng dễ dàng thì có thể chuyền ngang hoặc chuyền về, không nhất thiết phải chuyền lên phía trước nếu không thực sự hiệu quả. Một đường chuyền không thuận lợi có thể khiến đội nhà bị mất bóng, tốt hơn là nên chuyền về để triển khai lại từ đầu.

+ Duy trì cự ly đội hình hợp lý, các vị trí không quá xa cũng không quá gần nhau, sao cho luôn có thể liên lạc chuyền bóng cho nhau được tốt nhất.


- Trách nhiệm cá nhân
1. Thủ môn: Có trách nhiệm đưa bóng vào cuộc khi bóng hết gôn để bắt đầu một đợt triển khai bóng, là một kênh phối hợp luân chuyển bóng khi cần nếu có thể chơi chân tốt.

2. Hậu vệ cánh: Các cầu thủ đá cánh có vai trò quan trọng trong việc kéo dãn đội hình tạo khoảng trống khi tấn công. Họ có thể chuyền bóng lên phía trước cho các cầu thủ tấn công hoặc cầm bóng dâng cao nếu có cơ hội. Nói chung, hậu vệ cánh tham gia khá nhiều vào khâu tấn công khi đội nhà sở hữu bóng.

3. Trung vệ: Vị trí chốt chặn cuối cùng lúc đội hình dâng cao (trừ thủ môn). Khi đội nhà cầm bóng, đây là vị trí nhận bóng từ thủ môn và là cầu nối cung cấp bóng cho các hậu vệ cánh hoặc cầu thủ tấn công phía trên. Nếu có thời cơ và có sự bọc lót từ đồng đội, trung vệ có thể xâm nhập vòng cấm đối phương để tạo tính bất ngờ.

4. Tiền vệ: Trong các tình huống tấn công, tiền vệ có nhiệm vụ đưa bóng hướng lên phía trên càng nhanh càng tốt, là một kênh phối bóng quan trọng đồng thời cũng là một “điểm nổ” mang về bàn thắng. Nếu sơ đồ có 2 tiền vệ trung tâm thì họ cần phối hợp nhịp nhàng một người dâng cao, một người ở phía sau hỗ trợ. Còn nếu đội nhà đang ưu tiên bảo vệ lợi thế dẫn bàn, tiền vệ trung tâm là những người có nhiệm vụ điều tiết bóng, giữ nhịp trên sân.


5. Tiền đạo: Vị trí này khi tấn công càng xâm nhập được sâu càng tốt (nhằm kéo dãn không gian chơi bóng theo chiều dài sân), trở thành trung tâm nhận những đường chuyền từ tuyến dưới lên. Tiền đạo có thể xoay sở để tự ghi bàn hoặc phối hợp làm tường cho các đồng đội nhận bóng.

Khi đối phương kiểm soát bóng (đội nhà phòng ngự)
Mục đích lúc này là phá vỡ lối chơi của đối thủ, giành lại quyền sở hữu bóng, ngăn không cho đối phương ghi bàn.

Bằng cách nào? Hãy thực hiện các nguyên tắc phòng ngự sau: Làm cho diện tích chơi bóng càng hẹp lại càng tốt, tùy thuộc vào trình độ của đối thủ; Di chuyển nhanh về phía cầu thủ đối phương có bóng (gây áp lực nhanh để đoạt lại bóng); Di chuyền lui về bảo vệ gôn nhà (nếu không đẩy cao đội hình tạo sức ép từ tuyến trên); Di chuyển đội hình theo khối để bọc lót cho nhau, không chạy tản mát. Hãy nhớ luôn luôn gây áp lực lên người có bóng, vây bắt các kênh chuyền bóng xung quanh anh ta, những vị trí ở xa hơn đứng vị trí sao cho có thể cản phá các đường chuyền lên phía trước, quan sát để kiểm soát phạm vi phòng ngự của mình tốt nhất. 

Chú ý, kế hoạch dàn xếp tổ chức phòng ngự này sẽ không thành công nếu bạn phạm lỗi với đối thủ và họ được hưởng đá phạt.


- Trách nhiệm cá nhân
1. Thủ môn: Cản phá đối phương ghi bàn, quan sát và chỉ huy hàng thủ di chuyển đúng vị trí.

2. Hậu vệ cánh: Không cho phép đối phương đi bóng vượt qua và uy hiếp cầu môn đội nhà. Chú ý kèm các cầu thủ tấn công đối phương trong phạm vi vị trí của mình, hỗ trợ bọc lót cho đồng đội và đoạt bóng khi cơ hội đến.

3. Trung vệ: Giống như hậu vệ cánh, không được phép để đối phương đi bóng vượt qua. Che chắn trước mặt cầu môn nhà, ngăn chặn cầu thủ tấn công đối phương có khoảng trống để dứt điểm. Phán đoán tình huống để hỗ trợ kịp thời phía sau lưng các đồng đội, làm cho phạm vi chơi bóng càng nhỏ càng tốt. Đoạt bóng nếu có cơ hội.

4. Tiền vệ: Ngay khi đối thủ kiểm soát bóng cần phán đoán nhanh để ra quyết định nên đẩy cao gây sức ép đoạt bóng từ phần sân đối phương hay lui về sân nhà tổ chức phòng ngự với đồng đội. Khi dâng cao cần hỗ trợ tiền đạo quây bắt người để đoạt bóng, làm sao để phạm vi có thể phối hợp của đối thủ càng nhỏ càng tốt. Không cho phép đối phương đi bóng vượt qua.

5. Tiền đạo: Trở thành tuyến phòng ngự đầu tiên khi đội nhà mất quyền kiểm soát bóng, gây khó khăn không để đối thủ thoải mái phát triển bóng lên trên. Cơ bản nhiệm vụ cũng giống tiền vệ trung tâm, chia nhau vây bắt các hậu vệ và không cho họ rê bóng vượt qua.
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Xem thêm

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI .NET

THÔNG TIN TÒA SOẠN